Dịch cúm bùng phát: Nhiều ca trở nặng, thậm chí tử vong - Ba mẹ cần làm gì để bảo vệ con?
- Lan Anh
- 7 thg 2
- 5 phút đọc
Hiện nay, dịch cúm mùa đang có xu hướng gia tăng, gây lo ngại về số ca bệnh nặng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Vì vậy, ba mẹ đừng chủ quan trước căn bệnh thường gặp này mà hãy tìm hiểu thêm để bảo vệ bé yêu khỏe mạnh trong mùa cúm này nhé!
1. Dịch cúm mùa năm nay có gì đáng lo?
Cúm mùa là bệnh thường gặp hàng năm và thông thường sẽ tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, cúm mùa năm nay lại có diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh hơn mọi năm.

Cụ thể, số ca mắc cúm đang tăng mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 22 đến 29/12/2024, có tổng cộng 317.812 ca mắc cúm mới, tăng 100.000 trường hợp so với tuần trước đó. Đáng lo ngại, đã xuất hiện các biến chứng liên quan đến não và phổi, đặc biệt là ở trẻ em, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Tại Hàn Quốc, đây là đợt bùng phát lớn nhất kể từ năm 2016, với số ca bệnh tăng nhanh, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo đã có ít nhất 5,3 triệu ca mắc cúm, 63.000 ca nhập viện và hơn 2.700 ca tử vong, bao gồm cả trẻ em trong đợt dịch này. Nguy hiểm hơn, mới đây, nữ diễn viên Từ Hy Viên đã tử vong do cúm và biến chứng viêm phổi.

Hiện tại, dịch cúm đang bùng phát mạnh ở Việt Nam, nhiều ca bệnh suy hô hấp nặng, phải thở máy. Với trẻ nhỏ, cúm có thể diễn tiến cực nhanh. Chỉ từ ho, sổ mũi nhẹ, con có thể mệt lả, thở co lõm nặng chỉ sau vài giờ.
Theo Bộ Y tế, thời tiết giao mùa chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển mạnh. Do đó, ba mẹ đừng chủ quan rằng cúm chỉ là bệnh vặt, con ho, sốt, sổ mũi rồi sẽ tự khỏi. Nếu không chăm sóc đúng cách, cúm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
2. Cúm mùa nguy hiểm với trẻ nhỏ như thế nào?
Ba mẹ cần biết rằng trẻ nhỏ có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm rất cao, bởi đề kháng của con còn non yếu, chưa đủ khả năng để chống lại virus, vi khuẩn. Đặc biệt là những bé dưới 2 tuổi, những bé có bệnh lý nền hoặc miễn dịch yếu, hay ốm vặt thì bệnh chuyển nặng rất nhanh. Dưới đây là những rủi ro mà cúm mùa có thể gây ra:
Viêm phổi – Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của cúm, có thể khiến bé khó thở, phải nhập viện điều trị, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm tai giữa – Khi virus cúm lan đến tai, bé sẽ quấy khóc, đau tai, thính lực giảm tạm thời.
Co giật do sốt cao – Nhiều bé khi sốt cao quá 39-40°C có thể bị co giật, khiến ba mẹ hoảng loạn.
Viêm cơ tim, suy hô hấp – Dù hiếm gặp, nhưng đây là những biến chứng có thể đe dọa tính mạng trẻ nhỏ.
Vậy nên, khi con có dấu hiệu mắc cúm, ba mẹ cần hết sức cẩn trọng, theo dõi con sát sao, đừng chủ quan khi bé bị cúm nhé!

3. Dấu hiệu nhận biết cúm mùa ở trẻ nhỏ
Không phải cứ ho, sổ mũi là cúm đâu ba mẹ nhé! Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến của cúm mùa mà ba mẹ cần lưu ý:
Sốt cao đột ngột (38,5 - 40°C) kèm theo rét run.
Ho khan, đau họng, khàn tiếng.
Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt.
Bé mệt mỏi, uể oải, chán ăn, quấy khóc.
Đau người, đau đầu (thường gặp ở trẻ lớn).
Nếu ba mẹ thấy con có các dấu hiệu bất thường dưới đây, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay:- Sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.- Bé thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái.- Bé lờ đờ, không chịu ăn uống, mất nước (môi khô, tiểu ít).- Co giật hoặc lơ mơ, phản ứng chậm.
4. Cách phòng ngừa cúm mùa cho bé yêu
Cúm mùa không phải là bệnh “xoàng” nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Vậy ba mẹ có thể làm gì để bảo vệ con khỏi cúm mùa? Dưới đây là những cách hiệu quả giúp bé khỏe mạnh trong mùa dịch:
1. Tiêm phòng vắc-xin cúm
Đây là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nhẹ triệu chứng nếu bé chẳng may nhiễm virus. Ba mẹ nên đưa bé đi tiêm nhắc lại hàng năm, vì virus cúm luôn biến đổi.

2. Giữ vệ sinh cá nhân cho bé
Tập cho bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau khi chơi đồ chơi, đi học về, trước khi ăn.
Dạy bé che miệng khi ho, hắt hơi để tránh lây lan virus.
Tránh để bé dụi mắt, ngoáy mũi khi tay chưa sạch.
3. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Nếu có người xung quanh bị cúm, hãy hạn chế cho bé tiếp xúc gần. Nếu bé bị ốm, ba mẹ cũng nên cho bé ở nhà để tránh lây lan cho các bạn khác.
4. Tăng cường đề kháng cho bé
Cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin C, kẽm để tăng miễn dịch.
Cho bé uống đủ nước để làm dịu cổ họng, giúp long đờm dễ dàng hơn.
Giữ ấm cơ thể bé, đặc biệt là vùng cổ, mũi khi trời lạnh.
Cho bé vận động, tắm nắng buổi sáng để tăng sức đề kháng.
Bổ sung thêm sản phẩm hỗ trợ tăng đề kháng để kích hoạt hàng rào miễn dịch nhanh chóng.

5. Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của bé
Lau dọn nhà cửa, sát khuẩn đồ chơi của bé thường xuyên.
Giữ không gian sống thoáng mát, tránh ẩm mốc để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi.
Cúm mùa không đơn giản chỉ là bệnh vặt, nhất là với trẻ nhỏ. Nhưng nếu ba mẹ chủ động phòng ngừa và chăm sóc đúng cách, con yêu sẽ luôn khỏe mạnh!
Comments